Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hiệp Đức cho biết, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Hiệp Đức đã từng bước thực hiện các khâu triển khai, tập huấn, lựa chọn sản phẩm, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cấp chất lượng, mẫu mã, đáp ứng bộ tiêu chí bắt buộc của chương trình.
Qua 3 năm triển khai thực hiệnChương trình OCOP, huyện Hiệp Đức đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao gồm: tinh bột nghệ núi Hiệp Đức; kẹo đậu phộng dẻo Phước Hiệp Đức; nấm bào ngư sấy tẩm gia vị, bột ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt Hằng Moon; mầm đậu nành nguyên xơ.
Ông Nghiệp cho biết thêm, để đạt được kết quả trên huyện Hiệp Đức đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thời gian qua, huyện cũng đã kiện toàn, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ huyện đến xã, nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP của các phòng, ban, ngành cấp huyện và các hội, đoàn thể cấp xã về chu trình OCOP thường niên; kỹ năng tuyên truyền – hỗ trợ – tư vấn trực tiếp cho các tổ chức kinh tế tham gia chương trình xung quanh khâu hoàn thiện sản phẩm, lập hồ sơ OCOP; công tác quản lý, triển khai chương trình; cách đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm…
Chị Võ Thị Minh Nga (thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức) chủ cơ sở sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ núi Hiệp Đức cho biết, chương trình OCOP đã phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, đưa người nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường.
Cũng theo chị Nga, các chủ thể sau khi tham gia chương trình OCOP đã dần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chủ thể đối với sản phẩm do chính mình tạo ra. Xây dựng hình ảnh sản phẩm cả về chất lượng lẫn hình thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo điều kiện lưu thông hàng hóa trên thị trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là các sản phẩm thực phẩm hướng đến sản phẩm an toàn, chất lượng.
Đánh giá về kết quả Chương trình OCOP, ông Nghiệp cho hay, qua 3 năm triển khai Chương trình OCOP của huyện Hiệp Đức đã nhận được sự quan tâm theo dõi, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện tạo cơ hội cho các chủ thể tham gia thực hiện chương trình có điều kiện trao đổi, giao lưu, học hỏi để hoàn thiện sản phẩm; qua đó, nâng tầm giá trị sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP.
Sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP chủ yếu từ nguồn nguyên liệu địa phương do đó đảm bảo được chất lượng cũng như nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, các sản phẩm được sản xuất từ những nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người dân nên đảm bảo được lượng tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đồng thời cơ hội được tham gia triển lãm tại các hội chợ, khu thương mại trong và ngoài tỉnh từ đó phát triển thương hiệu của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con nhân dân xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2021, huyện Hiệp Đức tập trung đầu tư hỗ trợ để xây dựng 5 sản phẩm OCOP mới gồm: thanh cơm gạo lứt Bh.nong, trà Linh Chi túi lọc, nấm rơm sấy khô Bắc An Sơn, chả heo Tân Hiệp, trà Thảo Mộc Hằng Moon.